Bắt đầu cuộc viễn chinh lần thứ tư của phong kiến Tây Âu (1202-1204)

     Mặc dù đã tiến hành ba cuộc viễn chinh, mục đích của toà thánh Rôma và giai cấp phong kiến Tây Âu vẫn chưa đạt được. Vì vậy, đến thời giáo hoàng Inôxăng III (1198-1226), nhân khi thế lực của toà thánh vững mạnh uy tín của giáo hoàng được nâng cao, ông lại phát động một cuộc viễn chinh mới. Sự hô hào của giáo hoàng đã được các lãnh chúa phong kiến Pháp, Đức, Italia hưởng ứng. Theo kế hoạch của giáo hoàng thì mục tiêu của cuộc viên chinh này là Ai Cập, vì nếu đánh bại được Ai Cập thì sẽ chiếm được Giêrudalem một cách dễ dàng.

     Để thực hiện kế hoạch quân Thập tự phải hợp đồng với Vênêxia, nhờ họ dùng thuyền chở quân Thập tự đi viễn chinh và phải trả cho họ 85.000 đồng mác bằng bạc, ngoài ra còn phải chia cho họ một nửa đất đai và chiến lợi phẩm cướp được. Nhưng quân Thập tự không đủ tiền để thanh toán. Để bù vào số tiền 34.000 mác còn thiếu, Vênêxia yêu cầu quân Thập tự đánh chiếm thành phố Dara nằm trên bờ biển Ađriatích của vương quốc Hunggari, một địch thủ thương nghiệp của Vênêxia. Tháng 11-1202, quân Thập tự đã thoả mãn yêu cầu ấy của Vênêxia, mặc dù cư dân của thành phố này đều là tín đồ đạo Thiên chúa.

cuộc viễn chinh


      Trong khi quân Thập tự đang nghỉ ngơi để chuẩn bị lên đường viễn chinh thì đầu năm 1203, thái tử lưu vong của Bidantium là Alêxiút sai ngưởi đến cầu cứu. Vốn là, năm 1195, hoàng đế nước này là Idaắc II bị Alêxiút III lật đổ rồi chọc mù mắt và bắt cầm tù. Đến đầu năm 1202, thái tử Alêxiút trốn thoát sang Rôma. Vì vậy, sứ giả của thái tử yêu cầu quân Thập tự sang Côngxtăngtinôplơ để khôi phục ngôi vua cho hoàng đế hợp pháp của Bidantium. Nếu công việc thành công, hoàng đế Bidantium sẽ trả cho quân Thập tự 200.000 mác, sẽ cung cấp 10.000 binh lính và 500 kị sĩ đóng ở “đất thánh”. Yêu cầu đó lập tức được chấp nhận vì nó phù hợp với lòng mong muốn từ lâu của nhiều tầng lớp xã hội ở Tây Âu. Đặc biệt là lúc bấy giờ Vênêxia không muốn quân Thập tự tấn công Ai Cập vì việc buôn bán của họ ở đó đang có nhiều thuận lợi mà trái lại muốn tấn công Bidantium để được khống chế hoàn toàn việc buôn bán ở vùng này.

      Tháng 7-1203, quân Thập tự đổ bộ lên Côngxtăngtinôplơ. Alêxiút III chạy trốn. Idaắc II “mù” lại được lên ngôi. Mặc dầu đã tìm đủ mọi cách, ông ta vẫn không thể kiếm đủ số tiền để nộp cho quân Thập tự như đã hứa. Đất nước kiệt quệ, nhân dân kinh đô nổi dậy khởi nghĩa, Idaắc II lại bị lật đổ.



 
;