Văn học thành thị ra đời vào khoảng giữa thế kỉ XII, khi tầng lớp thị dân đang ngày một lớn mạnh. Nguồn gốc của dòng văn học này cũng là dân ca và những truyện dân gian do những người thợ thủ công vốn là nông nô đưa từ nông thôn vào thành thị. Vì vậy loại văn học này viết bằng tiếng nói của nhân dân và nội dung mang tính chất chống phong kiến và chống giáo hội Thiên chúa rất rõ rệt.
Văn học thành thị bao gồm các hình thức thơ, kịch, truyện ngắn và thưởng mang tính chất trào phúng nhằm đả kích giai cấp phong kiến, vạch trần sự tham lam và những hành vi xấu xa của tầng lớp giáo sĩ, đồng thời miêu tả sự thông minh tháo vát của nhân dân. Những truyện ngắn tương đối tiêu biểu là Di chúc của con lừa, Thầy lang vườn. “Di chúc của con lừa” kể chuyên một linh mục đã chôn con lừa của mình vào đất thánh của giáo hội nên bị phạt, nhưng theo lời trăng trối của con lừa đem nộp cho giáo chủ một số tiền nên được tha.
“Thầy lang vườn” kể chuyện một nông dân làm cho một công chúa đang bị hóc xương bật cười mà khỏi. Từ đó cả thành phốđến nhờ anh ta chữa bệnh. Để khỏi bị quấy rầy, anh ta đi nói chuyện với từng người, yêu cầu người bị bệnh nặng nhất phải hy sinh minh để thiêu lấy tro chữa cho những ngưởi khác, vì vậy ai cũng báo mình không có bệnh nữa.
Tác phẩm nổi tiếng nhất là Truyện con cáo, trong đó các con vật đã dược nhân cách hoá và tượng trưng cho các hạng người khác : sư tử đại biểu cho vua, gấu chó đại biểu cho lãnh chúa phong kiến, chó sói đại biểu cho kị sĩ, lừa đại biểu cho linh mục, con cáo xảo quyệt đại biểu cho thị dân, các loài vật nhỏ bé như gà, thỏ, ốc sên đại biểu cho nhân dân.
Nội dung chủ yếu của truyện này nói về sự tranh chấp giữa con cáo Rơna (Renart) tinh khôn và con chó sói Idănggranh (Isengrin) ngu độn, đồng thời cũng đề cập đến sự hà hiếp của con cáo đối với những con vật nhỏ.
Truyện con cáo lúc đó được đông đảo người đọc rất ưa thích và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng Flăngđrơ, Anh, Đức, Italia. Người ta ham đọc truyện này đến nỗi các giáo chủ phải kêu lên rằng các tu sĩ thích xem Truyện con cáo hơn là truyện các thánh tử vì đạo.
Kịch bản của thành thị bắt nguồn từ lối biểu diễn hoá trang của nhân dân và phần nhiều mang tính chất hài hước châm biếm. Tác phẩm nổi tiếng nhất lúc bấy giờ là kịch Rôhanh và Mariông của Ađam đơ la Han (Adam de la Halle) (1238-1286), nội dung miêu tả mối tình giữa một chàng trai và cô gái chăn cừu. Đến nửa sau thế kỉ XII, ở miền Bắc nước Pháp xuất hiện một kiến trúc mới gọi là kiến trúc Gôtích. Đặc điểm của lối kiến trúc này là vòm cửa nhọn, nóc nhà nhọn, bên ngoài có tháp cao vút, tường tương đối mỏng, cửa sổ lớn và trang sức bằng nhiều loại kính màu làm cho trong nhà có đầy đủ ánh sáng. Trước cửa lại có nhiều bức phù điêu sinh động.
Lối kiến trúc này rất phù hợp với yêu cẩu làm tăng thêm vẻ uy nghiêm của tôn giáo nên trước hết được áp dụng để xây dựng các giáo đường, ngoài ra còn được dùng để xây các công sở và dinh thự. Hơn nữa, với những tháp chuông cao vút hơn 100m có thể nhìn thấy từ xa, với sự trang trí đẹp đẽ bề thế của toàn bộ toà nhà, các công trình kiến trúc này không những thể hiện một bước tiến mới về nghệ thuật xây dựng mà còn thể hiện sức mạnh và sự giàu có của cư dân thành thị lúc bấy giờ. Do những ưu điểm đó, lối kiến trúc Gôtích này được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước châu Âu như Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Tiệp Khắc V.V..
Tóm lại từ thế kỉ XI – XIII, tuy giáo hội Thiên chúa vẫn giữ vai trò lũng đoạn về tư tưởng nhưng về văn hoá đã đạt được những thành tựu nhất định. Tình hình đó là một trong những tiền để dẫn đến Phong trào văn hoá phục hưng, một bước phát triển nhảy vọt về văn hoá trong những thế kỉ sắp tới.
Từ khóa tìm kiếm nhiều:
tim hieu ve lich su