Cùng với sự phát triển về kinh tế, sự đòi hỏi của con người về các loại tri thức cũng tăng lên, nhưng các trường học của giáo hội không đáp ứng được những yêu cầu đó, vì vậy trường đại học của thành thị dần dần ra đời.
Đầu tiên, từ thế kỉ X, nhiều trường học không dính dáng gì đến giáo hội đã được thành lập ở các thành phố khác ở Tây Âu. Những trường học thành thị này là cơ sở để phát triển thành các trường đại học sau này.
Trường đại học ra đời sớm nhất ở Tây Âu là trường Đại học Bôlôna ở Italia được thành lập vào thế kỉ XI mà tiền thân của nó là trường Luật Bôlôna. Sang thế kỉ XII, XIII, nhiều trường đại học khác đã lần lượt xuất hiện như đại học Pari, đại học Oóclêăng ở Pháp, đại học Oxfdt (Oxford), đại học Kembrit (Cambridge) ở Anh, đại học Xalamanca ở Tây Ban Nha, đại học Palécmơ (Palermo) ở Italia v.v… Đến cuối thế kỉ XIV ở châu Âu đã có tất cả hơn 40 trường đại học.
Trường đại học Oxfớt do lưu học sinh Anh ở trường đại học Pari vềthành lập. Còn trường đại học Kembrit thì do một bộ phận sinh viên của trường Oxfớt tách ra và tự thành lập một trường riêng.
Khi mới thành lập, các trường học này gọi là “trường phổ thông” (Etudia generalia), sau dần dần gọi là “trường đại học” (Universitas). Chữ “Universitas” nghĩa đen là “liên hợp” vì trường đại học lúc đầu thực sự là một tổ chức liên hợp gồm các đoàn thể của sinh viên và giáo sư, những đoàn thể được lập ra để bảo vệ quyền lợi các thành viên giống như các phường hội của thợ thủ công.
Trong số các trường đại học ở Tây Âu lúc bấy giở, điển hình nhất và cũng nổi tiếng nhất là Trường đại học Pari ra đời từ thế kỉ XII. Sinh viên ở đây lập thành bốn hội đồng hương là Noócmăngđi, Anh, Gôlơ và Picácđi. Các giáo sư cũng gia nhập những tổ chức mà về sau phát triển thành các khoa. Đến cuối thế kỉ XII, các tổ chức của sinh viên và giáo sư mới bắt đầu liên hợp lại bầu ra Hiệu trường để điều hành việc giảng dậy và học tập. Năm 1200, quy chế do trường đặt ra được vua Philip II phê chuẩn và như vậy, Trường đại học Pari được chính thức thành lập.
Trường đại học Pari có bốn khoa là Nghệ thuật, Y học, Luật học và Thần học, trong đó Nghệ thuật là khoa sơ cấp, chương trình học tập là “bảy môn nghệ thuật tự do”. Tốt nghiệp bậc sơ cấp thì được cấp bằng Cử nhân. Các khoa Y học, Luật học và Thần học thuộc về bậc cao cấp. Chỉ những người đã có bằng Cử nhân mới được tiếp tục học. Tốt nghiệp bậc cao cấp thì được cấp bằng Thạc sĩ hay Tiến sĩ. Những người có bằng Cử nhân, Thạc sĩ hay Tiến sĩ mới được làm giáo sư giảng dạy ở trường đại học.
Ngôn ngữ dùng để giảng dạy trong nhà trường là tiếng Latinh. Phương pháp học tập là lên lớp nghe giảng, ghi chép và thảo luận, trong đó thảo luận giữ vai trò rất quan trọng. Khi tốt nghiệp sinh viên phải làm luận văn tốt nghiệp và phải bảo vệ luận văn.
Phương pháp tổ chức, giảng dạy và học tập ở các trường đại học khác ở châu Âu đều như thế cả. Như vậy, nội dung học tập trong các trường đại học ở châu Âu trong thời kì này khồng phải chỉ là thần học và các thầy giáo không phải là các giáo sĩ mà là những người thường. Thế là trường đại học đã thoát li khỏi giáo hội và phát triển một cách tự do. Đây là điều giáo hội không thể chấp nhận được, nên đã tìm cách nắm lấy các trường đại học, loại trừ các giáo sư có tư tưởng chống lại giáo hội và ca ngợi lí trí con người. Đến giữa thế kỉ XIII, Trường đại học Pari bị giáo hội khống chế hoàn toàn. Nhiều giáo sư tiến bộ bị đuổi và thay thế bằng các giáo sĩ. Từ đó môn học chiếm địa vị quan trọng nhất trong trường đại học là môn Triết học kinh viện. Tuy nhiên, Y học và Luật học là những môn học thực dụng nên vẫn được duy trì.
Từ khóa tìm kiếm nhiều:
sách lịch sử thế giới